image banner
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH XÃ TÂN THÀNH

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH DÂN CƯ VÀ LÀNG XÓM Ở XÃ TÂN THÀNH

Tân Thành được công bố thành lập ngày 14/01/1984, theo Quyết định số 128/HĐBT ngày 09/11/1983, của Hội đồng Bộ trưởng, song ở đây từ cuối thế kỷ XIX, bà con giáo dân ở nhiều vùng quê về đây xây dựng nên 2 làng Phúc Lộc và Phúc Trạch. Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 1960 vùng đất Tân Thành là địa bàn khai thác lâm thổ sản, chăn nuôi, cày ruộng của nhân dân hai xã Mã Thành và Đức Thành, sáng đi tối về.

Sau khi tất cả các vùng đất của các Nông trang được nhập lại, diện tích, dân số xã Đức Thành trở nên rất lớn. Do vậy cũng trong năm 1973, Hợp tác xã toàn xã Đức Thành được tách thành hai Hợp tác xã đó là Hợp tác xã Hồng Đức và Hợp tác xã Tân Đức. Trong đó, Hợp tác xã Hồng Đức bao gồm các làng của xã Đức Thành cũ, còn Hợp tác xã Tân Đức bao gồm các Nông trang phía Tây, Tây Bắc của xã Đức Thành (tức là bao gồm tất cả các vùng đất của nông trang Minh Tân và các nông trang Ngọc Thành (Diễn Ngọc), nông trang Diễn Quảng, nông trang Hoa Đức, nông trang Tiên Đức).

Sau khi tách, theo Quyết định của cấp trên Hợp tác xã Tân Đức thành lập một Đảng bộ bộ phận trực thuộc Đảng bộ xã Đức Thành, có 80 đảng viên. Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Trần Ngọc Long làm Bí thư, đồng chí Đặng Xuân Tiến làm Chủ nhiệm. Sau đó một thời gian, Đại hội Đảng bộ khóa I (1975) của Hợp tác xã Tân Đức diễn ra. Đại hội đã bầu đồng chí Trần Văn Viện làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Trần Ngọc Long làm Chủ nhiệm Hợp tác xã.

Từ 1975 – 1984, Đảng bộ Tân Đức đã tiến hành Đại hội 04 nhiệm kỳ. Hình thức tổ chức này kéo dài đến khi có Quyết định số 128/HĐBT ngày 09/11/1983, của Hội đồng bộ trưởng về việc thành lập xã Tân Thành. Tên gọi xã Tân Thành chính thức có từ đây và ổn định cho tới bây giờ (2019).

Trong giai đoạn 1974 – 1984, trên vùng đất của Hợp tác xã Tân Đức nhân dân các xã chuyển lên thành lập thêm 2 Nông trang và một đội sản xuất mới đó là: Nông trang Nhân Thành, Nông trang Thọ Thành và đội sản xuất 13. Trong đó: Nông trang Nhân Thành được manh nha thành lập từ những năm 1976, khi có 14 hộ dân và 4 đảng viên ra đây lập trại. Đến năm 1978, sau khi nhân dân của xã Nhân Thành đồng loạt di cư ra đây thì mới chính thức thành lập nông trang với tên gọi là nông trang Nhân Thành. Khi thành lập nông trang có trên 50 hộ dân, có một Chi bộ do đồng chí Trần Chiểu làm Bí thư, ông Đặng Văn Thanh làm chủ nhiệm. Còn nông trang Thọ Thành cũng được thành lập vào giai đoạn này, do nhân dân xã Thọ Thành và kết hợp với các hộ dân của các làng Yên Định, làng Sàng thuộc Hợp tác xã Hồng Đức lên dắm dân lập nên.

Năm 1978, sau trận lụt lịch sử một số hộ dân của Nông trang Vĩnh Nghĩa đã chuyển lên sinh sống ở vùng Rú Ran, kết hợp với bà con Thọ Thành ở Hũng Dạ thành lập ra đội 13.

Như vậy cho đến những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX quá trình hình thành dân cư và làng xóm ở Tân Thành mới bắt đầu đi vào ổn định. Tháng 4 năm 1984, cả xã Tân Thành được chia thành 13 Đội sản xuất theo thứ tự từ Đội 1 đến Đội 13. Đến năm 1991, các Đội sản xuất được thay thế bằng các xóm bao gồm:

Xóm Tân Đông: nguyên là Đội 1 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là của xã Diễn Ngọc, Diễn Quảng, Diễn Thái, xứ Phúc Lộc, Đức Thành.

Xóm Tân Lộc: nguyên là Đội 2 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là của làng Phúc Lộc.

Xóm Tân Đức: nguyên là Đội 3 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ xã Đức Thành và xã Nhân Thành.

Xóm Tân Vĩnh: nguyên là Đội 4 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ xã Vĩnh Thành, xã Long Thành (trước có  chung tên gọi là xã Tiên Đức).

Xóm Tân Nhân: nguyên là Đội 5 trước đây, tách ra từ xóm 4 trong giai đoạn 1983 - 1984. Nguồn gốc dân cư ở đây chủ yếu là từ xã Nhân Thành.

Xóm Tân Thắng: nguyên là Đội 6 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ các xã Diễn Thắng, xã Diễn Lợi, làng Phúc Trạch.

Xóm Tân Trung: nguyên là Đội 7 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ các xã Thọ Thành, xã Hoa Thành, xã Phú Thành.

Xóm Tân Bình: nguyên là Đội 8 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ xã Vĩnh Thành, Long Thành.

Xóm Tân Hợp: nguyên là Đội 9 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ xã Vĩnh Thành.

Xóm Tân Quảng: nguyên là Đội 10 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ xã Diễn Quảng.

Xóm Tân Triều: nguyên là Đội 11 trước đây và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ xã Phú Thành, Diễn Tháp, Diễn Xuân, Diễn Phúc.

Xóm Tân Hoa: nguyên là Đội 12 trước đây, tách ra từ xóm 7. Và nguồn gốc dân  cư chủ yếu là từ xã Hoa Thành, xã Trung Thành, xã Nam Thành.

Xóm Tân Sơn: nguyên là Đội 13 trước đây, tách ra từ xóm 9 khoảng từ 1986-1987. Và nguồn gốc dân cư chủ yếu là từ các xã Thọ Thành, xã Vĩnh Thành.

Thị Tứ được thành lập từ năm 2008, nguồn gốc dân cư ở đây rất đa dạng có người trong xã cũng có người ngoài xã đến đây làm ăn rồi mua đất định cư ở đây. Cho đến nay (2019), xã Tân Thành ổn định với 13 xóm và 1 thị tứ.

Quá trình hình thành làng xóm của Tân Thành là một quá trình lâu dài, nó diễn ra thế kỷ cuối XIX, đến những năm 70 của thế kỷ XX các làng ở Tân Thành mới được định hình tương đối hoàn chỉnh. Hiện nay, Tân Thành có 9.200 nhân khẩu, có nguồn gốc từ 47 xã, 12 huyện, 7 tỉnh trong cả nước cùng nhau về đây sinh cơ, lập nghiệp. Với khát vọng vươn lên và tinh thần bền bỉ, hăng say lao động, họ đã khai khẩn đất hoang, rừng rậm, lập nên đồng ruộng, xóm làng. Tuy khác nhau về nguồn gốc, dòng họ, xứ sở, nhưng tất cả đã chung lưng, đấu cật dựng xây cuộc sống trên mảnh đất rừng thiêng, nước độc, đất đai cằn cỗi ngày nào. Trong cuộc sống gian khổ phải vật lộn với thiên nhiên, thú dữ, những người con Tân Thành từ thế hệ này sang thế hệ khác đã đoàn kết, xây dựng nên tình làng - nghĩa xóm son sắt. Người cũ, người mới, Tân Đức xưa và Tân Thành nay đang đan xen, hòa nhập với nhau cùng nỗ lực xây dựng xã ngày một đi lên đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

 

THÔNG BÁO
LỊCH LÀM VIỆC

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ BÌNH MINH - TỈNH NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính:
Địa chỉ: Xã Bình Minh - Nghệ An
Điện thoại: - Fax: - Email:@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: